Bitcoin (BTC)

$ 26,612.13 1.38%

Ethereum (ETH)

$ 1,590.77 1.75%

BNB (BNB)

$ 211.96 1.13%

TRON (TRX)

$ 0.083255 1.60%

Chainlink (LINK)

$ 6.69 2.21%

Bitcoin là gì? Những điều cơ bản về Bitcoin Bạn Phải Biết ( phần 1 )

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở và phát minh bởi Satoshi Nakamoto. Đây cũng chính là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường crypto.

Bitcoin được biết đến là loại tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên. Kể từ lần đầu tiên được phát hành năm 2009, Bitcoin hay BTC đã tăng trưởng từ con 0 USD lên đến mức cao nhất từng ghi nhận là 69,000 USD (theo sàn Binance). Bitcoin không chỉ là khởi nguồn của Blockchain mà còn mở ra cơ hội đầu tư cho nhiều người trong thị trường Cryptocurrency.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết đầy đủ về Bitcoin bao gồm:

  • Quá trình ra đời và lịch sử hình thành của Bitcoin
  • Đặc điểm nổi bật của Bitcoin
  • Cơ chế hoạt động

1. Bitcoin là gì?

a. Khái niệm

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở và phát minh bởi Satoshi Nakamoto. Đây cũng chính là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường crypto.

Nakamoto Satoshi – Người được xem là cha đẻ của Bitcoin

Bitcoin sử dụng mạng ngang hàng (peer-to-peer), giúp người gửi giao dịch trực tiếp với người nhận mà không cần thông qua bên trung gian nào. Từ đó, loại bỏ đi các khoản phí không cần thiết và giúp mỗi giao dịch có phí rẻ hơn nhiều so với dịch vụ chuyển tiền quốc tế.

b. Có bao nhiêu Bitcoin trên thế giới?

Tổng số Bitcoin đã được tạo ra là 21,000,000 đồng BTC. Sẽ không có một ai thay đổi được con số này kể cả người sáng lập là Satoshi Nakamoto.

Tính đến tháng 1/2023, đã có 19.2 triệu BTC được khai thác và chỉ còn 1 triệu BTC chưa được đào.  Tuy nhiên, con số Bitcoin thực tế được lưu hành trên thị trường sẽ nhỏ hơn 19 triệu do một số nguyên nhân khác nhau, ví dụ như số Bitcoin đó đã được nhà đầu tư mua và trữ ở ví riêng hoặc bị mất vì quên Private key.

c. Đơn vị của Bitcoin (BTC)

Thông thường, chúng ta gọi tiền tệ của Mỹ là Dollar Mỹ, kí hiệu là $. Tuy nhiên, Mỹ còn có một đơn vị tiền tệ khác là Cent. Mỗi Dollar sẽ bằng 100 Cent. Tương tự như vậy, Bitcoin không chỉ có đơn vị lớn nhất là Bitcoin (BTC) mà còn có đơn vị chia nhỏ hơn là Satoshi (hay sts) – lấy theo tên nhà sáng lập Bitcoin.

Với tỷ lệ 1 BTC = 100,000,000 Satoshi, tức một đơn vị Satoshi = 0.00000001 BTC.

 

2. Lịch sử & lộ trình phát triển (roadmap) của Bitcoin (BTC)

a. Nakamoto Satoshi ra mắt Bitcoin Whitepaper

Theo Wikipedia: “Bitcoin bắt đầu được Satoshi thiết kế từ 2007 khi ông tin rằng có thể thiết kế được một hệ thống giao dịch mà các thành viên không cần tin tưởng nhau. Tên miền bitcoin.org được đăng ký vào ngày 18 tháng 8 năm 2008.

Bitcoin Whitepaper
Bitcoin Whitepaper

Bitcoin lần đầu được nhắc đến vào ngày 31/10/2008 trong bản cáo bạch về giao thức thanh toán ngang hàng của nhân vật ẩn danh Satoshi Nakamoto. Nó bắt đầu được đưa vào sử dụng từ ngày 3/1/2009 với khối Bitcoin nguyên thủy được ra đời (genesis block).

Giao dịch Bitcoin đầu tiên được thực hiện khi Satoshi Nakamoto gửi 10 bitcoin cho nhà mật mã học Hal Finney vào ngày 12/1/ 2009, ngay khi phần mềm Bitcoin được phát hành lần đầu.

Giao dịch này đánh dấu sự ra đời của Bitcoin, đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới mà không chịu sự kiểm soát của chính phủ hay ngân hàng trung ương.

Thế nhưng cho đến nay, danh tính về Satoshi Nakamoto vẫn là một dấu hỏi lớn, cuộc điều tra về nhân vật này đã lôi kéo cộng đồng công nghệ, chuyên gia lập trình và thậm chí phóng viên các tờ báo lớn ở Mỹ nhập cuộc.

Liệu cha đẻ của Bitcoin thật sự là ai?

b. Cột mốc nổi bật

  • 2007: Nakamoto Satoshi bắt đầu lầm việc dựa trên ý tưởng
  • 8/2008: Bitcoin.org được đăng ký – Đây từng là forum của toàn bộ thị trường Crypto cho cộng đồng thảo luận không chỉ về Crypto mà có cả các dự án khác – Tương tự Twitter ngày nay.
  • 10/2008: Bitcoin Whitepaper được công bố
  • 12/2009: Giao dịch Bitcoin đầu tiên được thực hiện ở block #170
  • 5/2010: Giao dịch thực tế đầu tiên được thực hiện, đổi 10,000 BTC lấy pizza. Từ đó thị trường Crypto có Pizza day để kỷ niệm chiếc pizza “siêu đắt đỏ”!
  • 7/2010: Mt. Gox được thành lập, đây từng là sàn giao dịch lớn nhất thời bấy giờ, giúp việc mua bán BTC trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sàn Mt. Gox bị hack đã gây rúng động thị trường.
  • 2011: Blockchain.com được thành lập, đây là Blockchain explorer và ví Bitcoin hàng đầu tại thời điểm đó.
  • 3/2011: Bitcoin lần đầu tiên đạt giá 1 USD.
  • 6/2012: Coinbase – ban đầu họ phát triển ví Bitcoin, sau này thì mở rộng sang sàn và trở thành sàn Cryptocurrency đầu tiên IPO trên sàn chứng khoán Mỹ.
  • 5/2013: Bitcoin ATM đầu tiên được ra mắt tại San Diego (Mỹ). Hiện nay Bitcoin ATM đã có mặt ở rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
  • 12/2013: Bitcoin lần đầu tiên đạt giá 1,000 USD, vốn hoá 13 tỷ USD.
  • 8/2017: Bitcoin fork thành 2 chain là Bitcoin (BTC) và Bitcoin Cash (BCH).
  • 9/2017: JP Morgan gọi Bitcoin có thể là lừa đảo nhưng sau này họ là bên phát hành các sản phẩm liên quan đến Bitcoin.
  • 12/2017: Bitcoin chạm đỉnh 19,400 USD, vốn hoá 320 tỷ USD.
  • 3/2021: Tesla thông báo mua Bitcoin và cho phép mua xe bằng Bitcoin.
  • 6/2021: El Salvador là quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán.
  • 10/2021: Bitcoin chạm đỉnh 67,000 USD, vốn hoá 1,260 tỷ USD.
  • 11/2021: Bitcoin đã cập nhật thành công bản soft fork Taproot.

Mặc dù Bitcoin không được ứng dụng quá nhiều so với các đồng coin khác trong thị trường DeFi. Nhưng với vai trò là anh cả, Bitcoin vẫn có vốn hoá lớn nhất thị trường và ngày càng được nhiều tài phiệt, nhà nước, tổ chức tài chính chấp thuận.

c. Bitcoin Fork là gì?

Trước khi đến Hard Fork, OTB sẽ giải thích sơ lược về khái niệm Fork. Fork là các bản nâng cấp của blockchain, chúng có 2 dạng phổ biến là Hard Fork và Soft Fork.

  • Hard Fork là sự thay đổi của giao thức tiền điện tử mà không tương thích với các phiên bản trước. Có nghĩa là các node cũ không được cập nhật phiên bản mới sẽ không thể xử lý giao dịch hay đẩy các block mới lên blockchain.
  • Soft Fork là sự thay đổi trong giao thức tiền điện tử theo phương thức tương thích ngược (backward-compatible). Các node chưa cập nhật sẽ vẫn có thể xử lý các giao dịch và đẩy các block mới lên blockchain, miễn là không vi phạm vào các quy tắc của giao thức mới.
Lịch sử Fork chain của Bitcoin
Lịch sử Fork chain của Bitcoin

Đối với mạng lưới Bitcoin, đã có rất nhiều đợt Soft Fork và Hard Fork khác nhau. Đây là những đợt Fork để nâng cấp Bitcoin, gọi là các Bitcoin Improvement Proposals (BIP).  Tuy nhiên, nếu như cộng đồng có sự xung đột về ý kiến, các chain Bitcoin hard fork sẽ hình thành.

  • 8/2017: Bitcoin Cash (BCH)
  • 10/2017: Bitcoin Gold (BTG)
  • 11/2017: Bitcoin Diamond (BCD)
  • 12/2017: Super Bitcoin (SBTC) và Bitcoin Hot (BTH)
  • 1/2018: Bitcoin Interest (BCI)
  • 2/2018: Bitcoin Cash Plus
  • 3/2018: Bitcoin Private (BTCP)
  • 11/2018: Bitcoin SV (BSV) và Bitcoin ABC (đổi tên thành eCash XEN) fork từ Bitcoin Cash
  • 9/2019: Bitcoin Classic (BXC)

Các fork chain như thế này thường cố gắng giải quyết những vấn đề của Bitcoin, ví dụ như tốc độ chậm, tính ứng dụng thấp, tính tương tác trong DeFi thấp. Tuy nhiên, chúng không có khả năng cạnh tranh với các giải pháp khác như Ethereum, niềm tin của cộng đồng vẫn đặt lớn nhất ở Bitcoin.

3. Bitcoin hoạt động như thế nào?

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến mô hình hoạt động của Blockchain, bao gồm:

  • Công nghệ Blockchain.
  • Công nghệ sổ cái phân tán.
  • Bitcoin Halving
  • Cơ chế đồng thuận Proof of Work.

3.1. Công nghệ Blockchain

Blockchain (Chuỗi khối) là một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau (tính phi tập trung), lưu trữ mọi thông tin giao dịch và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào (tính minh bạch).

Mọi thông tin được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó. Như vậy, Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu.

Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi mà chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Hệ thống này được bảo toàn ngay cả khi một phần trong hệ thống gặp vấn đề.

Chưa hết, Blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin.

Đối với blockchain của Bitcoin, chúng phi tập trung vì các cá nhân tham gia xác thực mạng lưới (Còn gọi là các thợ đào) là các cá nhân riêng biệt, không bị kiểm soát bởi người khác và có quyền hành ngang nhau.

Tuy nhiên, đối với blockchain dành cho doanh nghiệp, chúng có thể không phi tập trung vì các cá nhân trong doanh nghiệp sẽ có quyền lực khác nhau. Công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tránh vấn đề làm giả thông tin nhưng có thể bị kiểm soát bởi một nhóm điều hành.

3.2. Công nghệ Sổ cái phân tán (DLT)

Công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology – DLT) là một tập hợp các cơ sở dữ liệu mà không được lưu trữ hay xác nhận bởi bất kỳ một bộ máy trung ương nào hết.

Về nguyên tắc, họ vẫn có thể độc quyết cơ cấu, mục đích và quá trình vận hành mạng lưới sử dụng dịch vụ của họ. Sổ cái phân tán có được xem như là bước đầu tiên để tiến lên Blockchain.

Tuy nhiên, nó không được tạo nên bởi một chuỗi các block mà chiếc sổ cái sẽ được lưu trữ trên nhiều server khác nhau. Tiếp đó sẽ liên lạc lẫn nhau để đảm bảo duy trì dữ liệu giao dịch mới nhất và cập nhật chính xác nhất.

Như vậy, các bạn có thể hiểu Blockchain là một ứng dụng thực tiễn của Công nghệ sổ cái phân tán. Tuy nhiên, không phải blockchain nào trên thị trường cũng phi tập trung như Bitcoin, gọi là các public blockchain. Một số blockchain không yêu cầu sổ cái phân tán như blockchain của doanh nghiệp là ví dụ, gọi là private blockchain.

– Proof of Work

Để các giao dịch trên Bitcoin có thể xác thực, ngoài việc phải có các miner (thợ đào) thì chính mạng lưới Bitcoin cũng phải có cơ chế đồng thuận để các miner tuân theo. Đối với Bitcoin thì sử dụng cơ chế Proof of Work, Ethereum sau The Merge thì dùng Proof of Stake,…

Proof of Work (PoW – Bằng chứng công việc) là cơ chế đồng thuận đầu tiên được tạo ra trên Blockchain và được Satoshi Nakamoto áp dụng cho Bitcoin đến ngày này.

Proof of Work yêu cầu các thợ đào phải đầu tư phần cứng để có thể tham gia cạnh tranh xác thực các giao dịch, sau đó đưa giao dịch vào các block trong Blockchain để nhận phần thưởng. Bản chất của việc xác thực giao dịch là giải mã các hàm băm do mạng lưới Bitcoin đề ra, vì vậy, máy nào có sức mạnh giải mã cao hơn sẽ có khả năng trúng phần thưởng cao hơn.

Tuy nhiên, Proof of Work bị cho rằng quá tiêu tốn tài nguyên, đặc biệt là điện. Vì vậy các Blockchain sau này ra đời đã có xu hướng dịch chuyển sang Proof of Stake thay vì Proof of Work như Bitcoin.

3.3. Bitcoin Halving

Halving nghĩa là chia đôi: Cứ mỗi 210,000 Block Bitcoin được sinh ra (khoảng 4 năm) thì phần thưởng cho việc đào được từ 1 Block Bitcoin mới sẽ giảm đi một nửa (1/2). Nhờ đó, tổng lượng Bitcoin sinh ra là có giới hạn tiệm cận là 21 triệu BTC.

Block reward của Bitcoin giảm sau mỗi 4 năm
Block reward của Bitcoin giảm sau mỗi 4 năm

Bitcoin Halving được xem là một trong những yếu tố giúp Bitcoin giá trị so với các Fiat-currency. Ngoài cơ chế giới hạn tổng cung ở mức 21 triệu BTC và không thể đào thêm, Bitcoin còn trở nên khan hiếm hơn sau mỗi 4 năm.

Đối với các đồng coin mới, cơ chế này có thể không phù hợp vì không ai có nhu cầu nắm giữ, nhưng với Bitcoin thì khác, ngày càng có nhiều tổ chức tài chính, nhà đầu tư nắm giữ và chấp thuận. Vì vậy, cho dù phần thưởng khối của thợ đào giảm, họ vẫn tiếp tục đào vì giá trị mỗi BTC họ nhận được tăng lên.

Các mốc trong Bitcoin Halving:

  • Bắt đầu từ 03/01/2009, mạng lưới Bitcoin trung bình cứ mỗi 10 phút đào ra được 50 BTC.
  • Bitcoin Halving số 1 (28/11/2012) kể từ đó có 5.250.000 BTC được tạo ra tức là trung bình cứ mỗi 10 phút đào ra được 25 BTC.
  • Bitcoin Halving số 2 (09/07/2016) kể từ đó có 2.625.000 BTC được tạo ra tức là trung bình cứ mỗi 10 phút đào ra được 12.5 BTC.
  • Bitcoin Halving số 3 (11/05/2020) kể từ đó có 1.312.500 BTC được tạo ra tức là trung bình cứ mỗi 10 phút đào ra được 6.25 BTC.
  • Bitcoin Halving số 32 (Dự kiến năm 2140): Sẽ không còn Bitcoin được đào ra thêm.
Các sự kiện Bitcoin Halving
Các sự kiện Bitcoin Halving

4. Điểm nổi bật của Bitcoin

Như đã nói ở trên, Bitcoin (BTC) là một đồng tiền kỹ thuật số nên nó không có hình dạng. Nó cũng giống tất cả các loại tiền chính thống như USD, Euro, VND… nhưng được mã hóa bằng điện tử. Điều tạo nên sự khác biệt của Bitcoin sẽ nằm ở các yếu tố sau:

Sự khác biệt giữa Bitcoin và các loại tiền tệ khác

4.1. Tính phi tập trung

Trong thị trường tài chính tập trung truyền thống (CeFi – Centralized Finance), các loại tiền pháp định như USD, VND, EUR,… sẽ bị kiểm soát bởi các tổ chức như Ngân hàng Trung ương hay chính phủ.

Tuy nhiên, Bitcoin thì không có tổ chức kiểm soát. Thay vào đó, để các giao dịch được thực hiện và xác thực trên Bitcoin blockchain, chúng cần sự đồng thuận của nhiều nút (node) tham gia vào mạng lưới Bitcoin.

Các nút (node) trong mạng lưới sẽ được kiểm soát bởi các cá nhân/tổ chức khác nhau (gọi là thợ đào) và họ nằm ở khắp nơi trên thế giới. Khi hơn 50% số node trong mạng lưới chấp nhận cho một giao dịch, tạo ra sự đồng thuận chung thì giao dịch đó sẽ thành công.

Các pool đào Bitcoin lớn nhất thế giới
Các pool đào Bitcoin lớn nhất thế giới

Dựa vào hình trên đây, bạn có thể thấy Bitcoin blockchain không bị kiểm soát bởi bất kỳ thực thể nào một cách quá mức, tổ chức mạnh nhất là Foundry USA cũng chỉ nắm 22% thị phần Hashrate. Vì vậy, Bitcoin được xem là blockchain phi tập trung không thể bị tấn công.

4.2.Tính bảo mật

Trên lý thuyết, bạn có thể hack mạng lưới của Bitcoin để đảo ngược giao dịch hoặc làm những điều xấu khác để trục lợi từ mạng lưới. Tuy nhiên, trên thực tế thì chưa ai có thể làm được điều này vì Bitcoin có hệ thống bảo mật rất cao.

Tính bảo mật của Bitcoin được đảm bảo bởi 2 yếu tố. Một là tính phi tập trung của mạng luới, nếu như muốn hack Bitcoin, bạn cần kiểm soát được 51% Hashrate của mạng lưới Bitcoin tại thời điểm đó. Tuy nhiên điều này là không thể vì chi phí để bạn sở hữu sức mạnh đó sẽ rất cao. Theo ước tính của trang Crypto51, chi phí để tấn công Bitcoin trong 1 giờ là hơn 700,000 USD mà chưa tính những rủi ro khác.

Lý do thứ hai khiến Bitcoin an toàn là nhờ vào thuật toán SHA-256. Đây là thuật toán băm bảo mật dùng để tạo ra các hàm băm không thể bị đảo ngược. Theo tính toán của các chuyên gia từ đại học Sussex, để một máy tính lượng tử có thể phá vỡ Bitcoin trong 1 tiếng thì cần 317 triệu qubit, trong khi máy tính mạnh nhất hiện nay chỉ có 127 qubit.

Đó cũng là lý do một khi đã thực hiện giao dịch trên Bitcoin blockchain, bạn sẽ không thể hoàn tác hay lấy lại tiền vì thông tin lúc này đã được ghi vào Blockchain, sẽ không ai có thể thay đổi hay chỉnh sửa thông tin đó được.

4.3. Tính minh bạch

Một trong những đặc điểm ưu việt nhất của Bitcoin so với các loại tiền tệ khác là tính minh bạch. Đối với đồng USD được lưu hành trên thị trường, chúng ta sẽ không thể biết chính xác con số đã được in là bao nhiêu. Tất cả số liệu chỉ được công bố thông qua chính phủ và cũng có sự sai lệch vì không thể kiểm soát tính toàn vẹn của tiền giấy sau thời gian sử dụng.

Tuy nhiên, đối với Bitcoin thì mọi thông tin đều được ghi nhận trên blockchain, blockchain này hoạt động trên công nghệ sổ cái phân tán (giải thích chi tiết ở phần dưới). Điều này đồng nghĩa bất kỳ ai cũng có thể trở thành thợ đào, bất kỳ ai cũng có thể đọc dữ liệu của Bitcoin blockchain.

Vì vậy, khi sử dụng Bitcoin blockchain, bạn không cần đặt niềm tin hoặc phụ thuộc vào bên khác để có thông tin chính xác. Tất cả thông tin sẽ được minh bạch.

4.4. Phí giao dịch thấp

Nếu so sánh với hoạt động chuyển tiền qua ví điện tử hoặc ngân hàng với mức phí bằng 0đ thì rõ ràng Bitcoin đang có mức phí khá cao. Tuy nhiên đây sẽ là con số rất thấp so với chi phí chuyển tiền quốc tế thông qua các tổ chức như ngân hàng.

Ưu điểm của blockchain
Ưu điểm của blockchain

Mỗi tổ chức sẽ có cách tính khác nhau, tuy nhiên, nếu bạn gửi khoảng 10,000 USD ra nước ngoài, mức phí sẽ không thể thấp hơn 100 USD, chưa kể bạn cần tốn thời gian làm các giấy tờ thủ thục. Đối với Bitcoin thì mức phí chỉ là 1 USD/giao dịch với thời gian chờ là một tiếng đồng hồ.

Đối với số tiền thấp như 10,000 USD, mức phí sẽ không đáng kể. Nhưng thông thường, ngân hàng sẽ tính theo % số tiền bạn cần gửi thay vì tính theo 1 giao dịch như blockchain. Vì vậy, Bitcoin có thể giảm phí giao dịch đáng kể cho người tham gia.

4.5. Tính hữu hạn và độ khó để khai thác

Đây là hai đặc tính giúp Bitcoin được xem là Vàng kỹ thuật số. Nếu như Vàng là tài nguyên hữu hạn trên Trái Đất thì Bitcoin cũng chỉ giới hạn ở mức 21 triệu Bitcoin.

Không chỉ là hữu hạn, độ hiếm để khai thác được cả hai tài sản này cũng ngày càng khó hơn. Nếu như trước đây Vàng chưa được nhiều người khai thác, số lượng sẽ nhiều hơn, mức độ cạnh tranh sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, khi nhiều người nhận ra tiềm năng hơn và bắt đầu khai thác, số lượng vàng đã giảm đi đáng kể kèm mức độ cạnh tranh cao hơn.

Tương tự như vậy, để đào được Bitcoin, thợ đào phải liên tục nâng cấp máy đào vì độ khó của mạng lưới Bitcoin (Hashrate) đã liên tục tăng kể từ khi Bitcoin được ra mắt. Điều này cũng chứng minh mạng lưới của Bitcoin ngày càng được nhiều người tham gia để khai thác.

Tổng kết

Bitcoin đang là 1 trong những tài sản được nhiều người quan tâm. Mức độ biến động mạnh của BTC biến nó thành kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người, nhưng cũng đem lại rất nhiều rủi ro với những nhà đầu tư non trẻ.

Hiểu biết đúng về Bitcoin, cũng như thị trường crypto là cách giúp bạn giảm thiểu rủi ro tốt nhất. Vì vậy, OTB mong được đồng hành cùng bạn trong con đường chinh phục thị trường Cryptocurrency. Để hiểu hết tất cả các khía cạnh về Bitcoin, các bạn đừng quên đọc thêm một số thuật ngữ khác có liên quan. Ví dụ như Bitcoin Dominance, Ví Bitcoin, Đào Bitcoin, Blockchain,..

——————————————————————–

Tham gia các kênh thông tin của OTB để bắt kịp những diễn biến mới nhất của thị trường nhé:

Facebook VN:  www.facebook.com/outsidetheblockvietnam

Facebook:    www.facebook.com/outsidetheblock2022

Telegram news:  t.me/OTBchannel

Youtube:   www.youtube.com/@outsidetheblock8831

o
otbmkt

Comment

Vui lòng đăng nhập để bình luận

Có thể bạn quan tâm

Đăng nhập

Chưa có tài khoản? Đăng ký tài khoản

Quyên mật khẩu?

Đăng ký tài khoản

Đã có tài khoản? Đăng nhập

Quyên mật khẩu